Thứ Hai, 23 tháng 10, 2023

VIỆT NAM SỬ LƯỢC - TRẦN TRỌNG KIM

 Trần Trọng Kim được biết đến là một nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học ở Việt Nam. Ông xuất thân trong một gia đình Nho giáo, từ nhỏ ông học chữ Hán, đến khi trưởng thành vì lòng hiếu học nên ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon. Do vậy mà ông nắm rõ tường tận cả về Hán học và Tây học, nghiên cứu về Nho giáo, Phật giáo và tiếng Việt. Trần Trọng Kim được đánh giá rất tài năng với vốn hiểu biết sâu rộng. Trước năm 1945, Trần Trọng Kim có nhiều tác phẩm nổi tiếng về các lĩnh vực sử học, văn, nghiên cứu và sư phạm như Vương Dương Minh, Sơ học luận lý, Việt Năm văn phạm, Sư phạm yếu lược, Việt Nam sử lược,…và rất nhiều tác phẩm khác.

        Trong đó, tác phẩm “Việt Nam sử lược” được coi là quyển sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Quyển sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1920, dựa vào những nghiên cứu trước đó như “Nam sử tiểu học” và “Sơ học An Nam sử lược” từ những năm từ 1914 đến 1917. Có thể nói đây chính là bộ thông sử đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ của nước ta và được soạn theo phương pháp hiện đại. Cuốn sách có phong cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu, thích hợp với trình độ của đại chúng nên được tái bản nhiều lần. Tuy nhiên do thời gian biên soạn quá ngắn nên sách có rất nhiều chi tiết sai sót, sau này Trần Trọng Kim đã hiệu đính lại 2 lần nhưng vẫn còn nhiều lỗi sai.

        Cuốn sách được tác giả biên soạn gồm 5 phần theo từng giai đoạn lịch sử, mỗi phần lại chia thành từng chương nhỏ và tương ứng với từng thời đại lịch sử nhằm giúp cho độc giả thuận tiện tìm kiếm và dễ đọc hơn. Phần 1 – Thượng Cổ thời đại nói về thời đại thượng cổ trong lịch sử Việt Nam. Đầu tiên là thời lập quốc của các Vua Hungfm tiếp đến là thời nhà Thục do Thục Phán vị trì. Sau đó lướt sơ qua đời Tam đại và triều đại nhà Tần nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ngoài ra, Trần Trọng Kim còn nghiên cứu nhà Triệu – một triều đại không được công nhận trong lịch sử nước ta trước khi bước vào giai đoạn nghìn năm Bắc thuộc.

        Phần 2 – Thời đại thứ hai – Bắc Thuộc thời đại sẽ trình bày về một nghìn năm Bắc thuộc của đất nước và những cuộc khởi nghĩa của nhiều anh hùng lịch sử đã đấu tranh để giành lại độc lập cho đất nước như Lý Bí, Phùng Hưng, Hai bà Trưng,…và nhìn lại trận Bạch Đằng đầy oai phong của Ngô Quyền – cũng là cột mốc chấm dứt gần 1000 năm Bắc thuộc của nước Việt ta. Tiếp theo là phần 3 – Thời đại thứ ba – Tự Chủ thời đại, ở phần này độc giả sẽ được nhìn ngắm khoảng thời gian tự chủ của đất nước mình. Tới phần 4 – Thời đại thứ tư – Nam Bắc phân tranh sẽ tái hiện thời kỳ phân tranh, đất nước bị chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài và cái kết chấm dứt tình trạng phân liệt Đàng Trong – Đàng ngoài là cơ sở khôi phục quốc gia. Cuối cùng là phần 5 – Thời đại thứ năm – Cậu Kim thời đại, các bạn đọc sẽ được điểm qua sự thống trị của các vị vua thời nhà Nguyễn và những công lao cũng như sai lầm của họ. Bên cạnh đó hiểu rõ hơn về nguyên nhân dẫn tới sự kiện Pháp thuộc của nước ta.

        Cuốn sách đã hệ thống lại toàn bộ lịch sử nước ta đem đến cho độc giả những hiểu biết cơ bản nhất để xâu chuỗi các sự kiện một cách hợp lí nhất qua 5 chương. Về mặt hình thức, tác phẩm “Việt Nam sử lược” được viết bằng chữ Quốc ngữ vì nó có ưu điểm dễ học, dễ đọc hiểu hơn chữ Nôm, chữ Hán, do đó nó nhanh chóng được phổ cập hơn trong dân chúng. Chữ Quốc ngữ phổ biến sâu rộng hơn trong quần chúng nhất là sau phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Cũng chính vì lẽ đó mà tác giả Trần Trọng Kim đã chọn chữ Quốc ngữ trở lành một phương tiện ưu việt để chép sử và đưa sử đến với người đọc. Cuốn sách được trình bày rất rõ ràng, ngắn gọn và văn phong gần gũi dễ đọc nên chắc chắn rằng các bạn có thể dễ dàng nhớ những cột mốc chính trong lịch sử phong kiến Việt Nam sau khi đọc quyển sách này.

        Về mặt nội dung, “Việt Nam sử lược” không đào sâu chi tiết về những sự kiện hay con người lịch sử, sách chỉ cung cấp cho người đọc những kiến thức nền tảng hay một cái nhìn khái quát về lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến thời Pháp thuộc. Điều này cho thấy tác giả đã thoát khỏi hoàn toàn lối chép sử biên niên theo thời gian đơn của các tiền bối trước kia, giúp người xem dễ hiểu và theo dõi hơn. Không chỉ vậy, tác giả còn ghi chép, đánh giá, lên án những nhân vật phản quốc bán nước, làm ô nhục quốc thể. Tác giả còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học lịch sử dân tộc của đông đảo quần chúng. Trần Trọng Kim cũng giống như các nhà nghiên cứu tiền bối khác, đã góp phần làm sáng tỏ tầm quan trọng của lịch sử và mục đích để xây dựng quốc gia do tổ tiên ta đã gầy dựng nên.

        Tóm lại, bạn có thể tìm đọc “Việt Nam sử lược” nếu bạn đang là học sinh, sinh viên hay có thể là người yêu thích lịch sử, muốn có cái nhìn toàn cảnh nhất về sử Việt. Nếu bạn mới bắt đầu công cuộc nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về lịch sử Việt Nam thì bạn cũng có thể bắt đầu với quyển sách này. Một thế kỷ đã trôi qua, cuốn sách vẫn là bộ tín sử ngắn gọn súc tích, sinh động và hấp dẫn nhất từ trước đến nay – một công trình nghiên cứu xứng đáng nên có mặt trong tủ sách của mọi gia đình Việt.

ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ - NGÔ SỸ LIÊN


        Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là bộ quốc sử của Việt Nam, viết theo thể biên niên, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 TCN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê.

Nội dung tác phẩm

        Bộ sử này được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18, triều vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697. Đây là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn.

        Bộ sử bắt đầu được Ngô Sĩ Liên, một vị sử quan làm việc trong Sử quán dưới thời vua Lê Thánh Tông, biên soạn dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung hai bộ quốc sử Việt Nam trước đó cùng mang tên Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên.

        Hoàn thành vào niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479), bộ sử mới của Ngô Sĩ Liên gồm 15 quyển, ghi lại lịch sử Việt Nam từ một thời điểm huyền thoại là năm 2879 TCN đến năm 1427 (khi nhà Hậu Lê được thành lập) và mang tên Đại Việt sử ký toàn thư.

        Sau đó, dù đã hoàn thành, Đại Việt sử ký toàn thư lại không được khắc in để ban hành rộng rãi mà tiếp tục được nhiều đời sử quan trong Quốc sử quán sửa đổi, bổ sung và phát triển thêm. Khoảng niên hiệu Cảnh Trị (1663 – 1671) đời vua Lê Huyền Tông, chúa Trịnh Tạc hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Phạm Công Trứ, sửa chữa bộ quốc sử của Ngô Sĩ Liên, đồng thời sai biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ đến năm 1662 đời vua Lê Thần Tông nhà Hậu Lê.

        Bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, gồm 23 quyển, được đem khắc in để phát hành nhưng công việc chưa xong, phải bỏ dở. Khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705) đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Căn lại hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Lê Hy, tiếp tục khảo đính bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, đồng thời biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1663 đời vua Lê Huyền Tông đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê.

        Bộ quốc sử này lấy tên là Đại Việt sử ký toàn thư, theo đúng tên mà sử gia Ngô Sĩ Liên cách đó gần hai thế kỷ đã đặt cho bộ sử của ông, gồm 25 quyển, được khắc in toàn bộ và phát hành thành công vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18 đời vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697.

        Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, là di sản vô giá của văn hóa dân tộc Việt Nam, là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác và cũng là một bộ sử có giá trị văn học. Các bộ quốc sử sau này của Việt Nam như Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục đều được biên soạn dựa trên cơ sở của Đại Việt sử ký toàn thư.

        Về mặt chính trị, bộ sử đã cung cấp cho chúng ta hiểu thêm về bộ máy tổ chức, những biểu dâng của các triều đại, cho cuối thời Hậu Lê. Như thời Lý vào năm 1028, “Đặt 10 vệ điền tiền cấm quân: 1. Quảng Thánh – 2. Quảng Vũ – 3. Ngự long 0 4. Bổng nhật – 5. Trừng hải.

        Mười vệ đều chia làm tả hữu trực đi quanh để bảo vệ bên trong cấm thành, cộng là 10 vệ”. Đó là việc tổ chức quân đội dưới thời Lý, các đời khác cũng tương ứng như vậy, cũng thay đổi và cũng được sử sách ghi lại rõ ràng. Bên cạnh đó, có nội dung bàn về các chức quan triều đình như “Cho Lương Nhậm Văn làm thái sư, Ngô Thượng Đinh làm thái phó, Đào Xử Trung làm thái bảo, Lý Đạo Kỷ làm tả khu mật”.

        Vậy là có chức Thái sư, Thái phó, Thái Bảo, Tả khu mật. Cũng có nội dung như “Mùa hạ, tháng 5, ngày 12, vua cùng các đại thần bàn định việc nước, về quan viên các lộ, trấn và quan trấn thủ các nơi quan yếu, cùng là luật lệ kiện tụng, chức tước chế lệ.

        Tháng 6, chỉ huy cho các đại thần khảo xét các quan trong ngoài; nhất đẳng là những người có văn võ tài cán nhanh nhẹn; nhị đẳng là những người biết chữ, tài cán nhanh nhẹn; tam đẳng là những người giỏi viết tinh, viết thảo, viết toán, ngoài ra không vào đẳng nào, kê reeng một hạng”.

        Về bang giao, nội dung sách cũng đề cập vào đời Lý Thần Tông năm 1130, “Nhà Tống sai mang ấn báu và sắc vàng sang phong vua làm Giao Chỉ quận vương, tháng 11 nước Chiêm Thành sang cống”.

        Hay là bàn về các công việc “đúc tiền Thuận Thiên”, mô tả phong cảnh “Mây xanh hiện, có cánh có chân, bên dưới như mâm ngọc, hai bên tả hữu hình như hai con cá chép vờn nhau”, “ngày 15, mở hội Vu Lan, tha tù tội nhẹ 50 người, cho các sư tụng kinh 220 quan tiền”.

        Ban hành các quy định như “Tháng 9, cho các giám sinh ở Quốc tử giám và sinh đồ ở huyện được mang mũ áo và cho giáo thụ Quốc tử giám cùng giáo chức các lộ huyện được đội mũ cao hơn”.



ĐẠI TỰ ĐIỂN CHỮ NÔM - VŨ VĂN KÍNH

 GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH ĐẠI TỰ ĐIỂN CHỮ NÔM CỦA TÁC GIẢ VŨ VĂN KÍNH